Nhờ có ba kiên trì dẫn đi tập bóng đá và dạy cách giao tiếp trên sân, Huỳnh Thịnh đã “lột xác”, không còn nhút nhát đến độ chẳng dám rời khỏi nhà như trước.
Huỳnh Thịnh (áo trắng) thi đấu nổi bật trong trận giao hữu với đội U14 dự tuyển Việt Nam chiều 17/8. Ảnh: Ngọc Dung
|
“Ngay khi mới chào đời, Huỳnh Thịnh đã mắc bệnh thập tử nhất sinh. Bác sĩ phải hỏi thẳng gia đình liệu có đủ điều kiện kinh tế để chạy chữa lâu dài không. Vợ chồng tôi bảo còn nước còn tát, dù tán gia bại sản cũng cố cứu con”, chị Kim Tài, mẹ Huỳnh Thịnh bắt đầu câu chuyện cùng VnExpressbằng việc nhớ lại những ngày tháng đẫm nước mắt của gia đình.
Như một phép nhiệm màu, Huỳnh Thịnh qua cơn nguy kịch. Nhưng càng lớn, cậu bé càng có biểu hiện lạ, lúc nào cũng nhút nhát, sợ sệt. Đi học, cậu lầm lì, ít nói, bị bạn bè đánh đến độ sợ không dám ra khỏi nhà. Đây là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ, khiến gia đình Huỳnh Thịnh vô cùng lo lắng.
Năm lớp hai, Huỳnh Thịnh bất ngờ thổ lộ với ba mẹ về chuyện thích bóng đá. Anh Huỳnh Kiệt lập tức nhận ra đây là cách tốt để giúp con trai nên đăng ký cho cậu nhóc học bóng đá ở trường.
“Được đi tập bóng đá cháu thích lắm, nhưng trên sân lại chẳng thể giao tiếp với các bạn. Mỗi khi có bóng, cháu không biết cách nào để kết nối với các đồng đội, rồi chẳng biết chuyền cho ai, sút cũng không dám vì sợ không vào các bạn mắng”, Huỳnh Thịnh kể lại những ngày mới đến với môn thể thao vua.
Thương con, anh Huỳnh Kiệt sắp xếp lại công việc của bản thân, cố gắng chiều đi làm về sớm. Hàng ngày dù nắng hay mưa, anh cũng cùng con ôm quá bóng ra công viên Bình Phú luyện tập với nhau. Vừa dạy con kỹ thuật chơi, anh vừa phải cổ vũ động viên để con có thêm tự tin mỗi khi chạm bóng. Nỗ lực của người cha được đền đáp khi ở lớp học bóng đá, Huỳnh Thịnh ngày càng tự tin hơn, từng bước hoà nhập vào các bạn.
Gia đình Huỳnh Thịnh cho biết sẽ để con tự quyết định có theo tập bóng đá chuyên nghiệp hay không. Ảnh: Ngọc Dung
|
“Nhìn nụ cười tươi của con mỗi khi đi tập về tôi mừng rơi nước mắt. Nhờ có bóng đá, con thay đổi dần, không còn thiếu tự tin đến độ chẳng dám bước chân ra khỏi nhà. Trên sân bóng, dù vẫn còn ít nói nhưng Thịnh đã hoà nhập được vào với các bạn, tự tin thi đấu”, chị Kim Tài nói với giọng ngập tràn niềm vui.
Huỳnh Thịnh thần tượng Công Phượng. Ở nhà, cậu bé thường xuyên mở máy tính xem lại các video xử lý bóng của cầu thủ trưởng thành từ lò đào tại HAGL rồi tự tập các động tác.
Năm 2015 Huỳnh Thịnh thi vào lớp năng khiếu của HAGL. Nhưng, sau khi đậu, cậu nhóc sinh năm 2003 lại quyết định không lên Pleiku mà ở lại trường Nguyễn Thị Định để vừa học văn hoá vừa chơi bóng, lại gần cha mẹ.
Năm 2016, Huỳnh Thịnh thi đấu nổi bật trong màu áo trường Đoàn Thị Điểm tại festival bóng đá học đường U13 Yamaha Cup. Dù đội nhà không giành chức vô địch, cậu vẫn được chọn vào đội tuyển chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản du đấu.
“Chúng tôi giờ không còn phải lo lắng cho con nữa. Cháu ra Hà Nội gia đình không đi theo bởi giờ tâm lý con đã bình thường. Thêm nữa ban tổ chức cũng lo chu đáo lắm. Cu cậu điện về, thấy háo hức với chuyến đi Nhật Bản sắp tới”, chị Kim Tài chia sẻ thêm.
Trong đội U13 festival bóng đá học đường Yamaha, Huỳnh Thịnh được HLV Nguyễn Thành Công bố trí đá tiền vệ trung tâm, cầm trịch trận đấu. Cậu cũng được tín nhiệm giao băng đội phó. “Cậu bé này có nét gì đó hơi nhút nhát nhưng chơi bóng có đầu óc, tinh tế và đặc biệt rất nghiêm túc, có kỷ luật. Đây là cầu thủ tôi ấn tượng nhất trong đội ”, HLV Nguyễn Thành Công thốt lên ngay sau buổi đầu tiên dạy Huỳnh Thịnh.
Nguồn: http://thethao.vnexpress.net/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét