Cho đến lúc này thì hầu hết tất cả mọi người đều công nhận bóng đá Thái Lan không cùng đẳng cấp với khu vực Đông Nam Á nữa. Họ có thể vẫn có những trận thua, vẫn không khỏi những sai lầm cá nhân, hay lúc này lúc khác đi vào giai đoạn khủng hoảng, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn cho thấy khả năng, trình độ của một nền bóng đá phát triển hơn một bậc so với khu vực.
Vô địch AFF Cup với các nước Đông Nam Á luôn là giấc mơ, là mục tiêu cao nhất, là dồn hết tiền bạc công sức vào nhưng lần nào cũng trầy trật, ngã ngựa với đủ lý do, còn Thái Lan thì cứ ung dung, thủng thẳng đá vẫn cứ lấy cúp nhẹ nhàng. Mùa này cũng vậy, trước khi vào giải, nhiều người đoán đội bóng của Kiatisak sẽ không tìm lại được vị trí cao nhất bởi ảnh hưởng của tình hình trong nước, lại thêm nỗi buồn về những thất bại liên tiếp trong các giải châu Á và thế giới. Ở các trận đấu, họ cũng chẳng cho thấy có quyết tâm cao đến mức đá sống chết như các đội khác, vậy mà rồi họ vẫn cứ lên ngôi như đó là chuyện móc đồ trong túi ra mà thôi. Thua trận lượt đi, họ cũng chẳng buồn hay lo lắng sốt vó. Đá trận lượt về cũng không đầu tư chiến thuật gì mới, nhưng thắng thì vẫn cứ thắng. Có người xem Thái Lan đá riết rồi nói vui nên cho họ tách khỏi các giải Đông Nam Á mà chỉ đá giải châu Á thôi mới thích hợp hơn.
Sự từ tốn trong cách chơi mà HLV Kiatisuk chọn lựa giúp các cầu thủ Thái Lan không phạm các sai lầm theo kiểu... tự sát |
Đã có lúc bóng đá Việt Nam nghĩ mình đã bắt kịp và thậm chí là vượt qua Thái Lan, nhất là sau khi các đội ở lứa trẻ cũng như tuyển quốc gia của họ thất bại ở tất cả các giải châu Á và thế giới vừa qua, trong khi U.19 Việt Nam thành công vang dội, lọt vào vòng chung kết U.20 thế giới năm sau. Nhưng sự thật vẫn là sự thật khi kết quả mà chúng ta có được phụ thuộc vào phong độ và may mắn nhiều hơn là đẳng cấp. Bất cứ trận thua hay kết quả tệ nào thì truyền thông cũng như huấn luyện viên hay liên đoàn đều nhìn dưới góc độ chúng ta không may mắn, thiếu người, đội hình không như ý, lục đục nội bộ, chưa đầu tư đúng mức… chứ hầu như ít ai nhận định đó là thua do đẳng cấp. Trận nào thắng hay có kết quả tốt thì được nhìn nhận theo hướng chúng ta có chiến thuật phù hợp, huấn luyện viên đọc trận đấu tốt, các cầu thủ “chiến đấu một trăm phần trăm sức lực”, tinh thần cả đội đoàn kết, liên đoàn đầu tư đúng hướng… chứ cũng ít thấy ai đề cập rằng chúng ta nhỉnh hơn nhờ đẳng cấp. Và một khi chỉ dựa vào phong độ hay tinh thần thì nền bóng đá cũng chỉ dừng ở mức cao hơn phong trào một chút chứ không thể nói là chuyên nghiệp, nên cũng không mơ đến bóng đá nhà nghề.
Vậy đã đến lúc phải xem lại có nên mãi cứ ngợi ca và phụ thuộc vào phong độ nhất thời hay là tập trung xây dựng một cách khoa học để khẳng định đẳng cấp, thông qua trình độ phát triển bền vững. Bất cứ môn thể thao nào thành công cũng có yếu tố tinh thần, nhưng phải được thể hiện trên nền tảng trình độ phát triển tương xứng. Đã đến lúc những phát biểu kiểu như “tôi hài lòng vì các cầu thủ đã chiến đấu hai trăm phần trăm sức lực”, “các cầu thủ đã có một trận đấu đầy quả cảm”… phải được xem là sự lạc hậu và phiến diện, có thể kéo lùi sự phát triển của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Tiềm năng về con người và tiềm lực kinh tế - xã hội chúng ta không thua kém, chỉ thiếu cái nhìn đúng và xây dựng kế hoạch thực hiện khoa học mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét