Trẻ em có thể bắt đầu chơi bóng đá từ rất sớm, trước cả tuổi đi học. Giai đoạn chơi bóng đá tự do này có thể kéo dài tới tuổi 6 – 9. Đây là lúc trẻ em phát triển mạnh mẽ khả năng khéo léo và cảm giác tinh tế với trái bóng, tập làm chủ trái bóng theo những cách riêng của trẻ em. Hoàn toàn không phải là giai đoạn đòi hỏi về kết quả thi đấu hoặc về hiệu quả tập luyện. Nếu ở lứa tuổi này đòi hỏi về kết quả thi đấu cao và buộc trẻ em thi đấu bóng đá theo các vị trí , sơ đồ chiến thuật sẽ là sai lầm không nhỏ. Sự trói buộc này sẽ làm mất khả năng sáng tạo trong hoạt động chuyên môn về sau. Chính vì vậy, ở các lớp dạy đá bóng trẻ em lứa tuổi 6 – 9, các HLV thường chỉ cho các em nhỏ vui chơi cùng trái bóng, các con được tự do làm chủ quả bóng, mục tiêu quan trọng nhất ở lứa tuổi này là để các em vui vẻ, say mê và giải trí cùng bóng đá.
Từ lứa tuổi 10-11 trở đi, trẻ em có thể tập luyện theo hệ thống đào tạo chặt chẽ. Đây là giai đoạn bắt đầu của chương trình đào tạo bóng đá trẻ em chính thức, kéo dài tới 7 – 8 năm. Với quá trình huấn luyện bóng đá trẻ em như vậy, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
1. Lứa tuổi 11 – 14 là giai đoạn quan trọng nhất để tập luyện kỹ thuật cơ bản của bóng đá. Với sự phát triển cơ thể của trẻ em ở lứa tuổi này, khả năng tiếp thu những động tác đòi hỏi sự phối hợp khéo léo là rất thuận lợi. Các cơ quan chức năng trong cơ thể của trẻ em đã có sự phát triển cân bằng, đặc biệt với hệ thần kinh và cơ, nhờ khả năng hoàn thiện của các phản xạ ức chế và hưng phấn. Hệ cơ bắt đã phát triển đủ đáp ứng các hoạt động tương đối mạnh mà không hạn chế tới khả năng linh hoạt, khéo léo…Muộn về sau, ở lứa tuổi 15 – 16 sẽ xuất hiện giai đoạn phát triển mạnh, nhưng thiếu cân bằng, tạo nên những hạn chế lớn đối với khả năng khéo léo và linh hoạt. Nếu như ở lứa tuổi 11 – 14, việc tập luyện kỹ thuật cơ bản không tốt, không đầy đủ thì sau này khả năng bù đắp bổ sung hoặc sửa chữa sai sót kỹ thuật sẽ rất khó khăn bởi thời điểm tốt nhất để học kỹ thuật đá bóng đã trôi qua.
2. Dạy chiến thuật bóng đá có thời gian dài hơn nhiều so với dạy kỹ thuật đá bóng. Khái niệm chiến thuật cần được đến với cầu thủ trẻ ngay từ khi tập kỹ thuật cơ bản. Đó là yêu cầu sử dụng kỹ thuật với các bài tập phối hợp từ đơn giản ngay sau khi trẻ em đã nắm được kỹ thuật cơ bản. Thi đấu trò chơi, thi đấu kỹ thuật hay thi đấu bóng đá ít người…đều là những hoạt động hướng tới hình thành chiến thuật. Ở lứa tuổi 11 – 14, yêu cầu chính của tập luyện chiến thuật là biết sử dụng hợp lý các kỹ thuật cơ bản, biết di chuyển chạy chỗ trong phối hợp và hỗ trợ đồng đội. Những yêu cầu về thi đấu theo các vị trí, sơ đồ chiến thuật…sẽ dành cho lứa tuổi cao hơn. Lứa tuổi 15 – 18 là giai đoạn bồi dưỡng khả năng chiến thuật, mà ở đó các cầu thủ trẻ đực “thử nghiệm” khả năng của mình ở nhiều vị trí khác nhau để chọn ra vị trí thi đấu thích hợp nhất. Về cuối lứa tuổi này là giai đoạn tập chiến thuật nâng cao và đây mới là lúc cần “gò” cầu thủ vào các sơ đồ chiến thuật chặt chẽ, đòi hỏi hiệu quả thi đấu cao ở vị trí đã lựa chọn.
3. Đối với yêu cầu tập thể lực, công việc sẽ phức tạp hơn với các nội dung, phương pháp huấn luyện đa dạng và biến đổi không chỉ theo lứa tuổi phát triển mà còn theo chu kỳ huấn luyện. Yêu cầu chung trong huấn luyện thể lực cho cầu thủ trẻ là xu hướng tăng dần lượng vận động và đi từ những tốt chất “nhẹ” (như khéo léo-linh hoạt, sức nhanh – tốc độ) tới các tố chất “nặng” (như phát triển sức bền, sức mạnh, thử lực chuyên môn). Ở lứa tuổi 11 – 14, trọng tâm là phát triển thể lực toàn diện, chú trọng tới yêu cầu nâng cao khả năng phát triển tố chất khéo léo, linh hoạt và sức nhanh – tốc độ. Tăng dần các năng lực về sức bền ứa khí và sức mạnh. Việc phát triển tốt thể lực toàn diện là nhằm tạo cơ sở tốt để nâng cao lên rất nhiều khả năng phát triển thể lực chuyên môn về sau. Sang lứa tuổi 15 – 18, các cầu thủ được chuyên môn hóa sâu, nhiệm vụ quan trọng là từng bước nâng cao năng lực sử dụng kỹ, chiến thuật trong hoạt động ở cường độ cao dưới áp lực lớn…của các trận đấu chính thức.
4. Một yếu tố rất quan trọng cần được quan tâm đầy đủ trong công tác đào tạo cầu thủ đó là tâm lý lứa tuổi. Diễn biến tâm lý có liên quan mật thiết với diễn biến sinh lý trong quá trình phát triển trẻ em. Những giai đoạn phát triển sinh lý thiếu “đồng bộ” theo lứa tuổi luôn là những giai đoạn biến động tâm lý lớn. Thí dụ: Ở lứa tuổi 13 – 15 khi mà cơ thể có sự phát triển “lệch pha” như: xương ống phát triển mạnh hơn sự phát triển về độ lớn mạch máu…sẽ dẫn đến những xáo động tâm lý như: chóng mệt mỏi, hay quên, thiếu tập trung, thiếu cân bằng giữa hưng phấn và ức chế, giảm nhu cầu trong giao tiếp…hậu quả là việc tập luyện sa sút và ít tiến bộ. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn giai đoạn này sẽ qua đi, nhưng điều đó HLV cần phải biết để điều chỉnh tập luyện và có cư xử phù hợp với các em. Điều quan trọng ở đây là phải bình tĩnh, kiên nhẫn và biết tác động thích hợp để giúp các em chóng vượt qua. Trong công tác huấn luyện bóng đá trẻ em, nếu chỉ giải quyết đầy đủ những nhu cầu về phát triển kỹ thuật, chiến thuật và thể lực theo một chương trình định sẵn, mà bỏ qua các yêu cầu về tâm lý lứa tuổi thì chắc chắn kết quả sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Nguồn daybongda.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét