HLV Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, bóng đá hiện đại ngoài kỹ thuật còn gồm nhiều yếu tố khác nữa. Trong đó, thể lực đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Va chạm mạnh là bảo vệ chính mình
- P/V: Thưa HLV Hoàng Anh Tuấn, tính đến nay, đội tuyển U19 Việt Nam đã tập trung được hơn nửa tháng trong chiến dịch chuẩn bị cho vòng loại U19 châu Á 2018. Ông đánh giá như thế nào về quá trình tập luyện trong quãng thời gian qua?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Trong hai tuần vừa qua, chúng tôi tập trung giải quyết vấn đề thể lực. Bắt đầu từ tuần này, đội bóng mới đi vào mảng chiến thuật. Sau hai tuần đầu, các em tiến bộ rất nhiều, đặc biệt về mặt thể lực. Lấy buổi tập chia đôi thi đấu làm ví dụ, chất lượng rất cao. Tốc độ, sức mạnh và chiến thuật thay đổi tích cực.
- Các cầu thủ có những pha vào bóng được xem là mạnh chân khi thi đấu đối kháng. Ông có lo lắng rằng sau những pha va chạm ấy, các học trò sẽ bị chấn thương?
Vào bóng mạnh hay nhẹ không có liên quan đến chấn thương trong thể thao. Bóng đá cũng vậy thôi. Chấn thương cũng xảy ra trong nhiều tình huống. Nhưng khi chúng ta chuẩn bị nền tảng tốt, có sức mạnh thì sự va chạm đó là cần thiết.
Bản thân điều đó cũng là bảo vệ cho chính bản thân mình. Như các bạn thấy thì các cầu thủ va chạm rất mạnh, cũng có những pha chấn thương xảy ra nhưng không nghiêm trọng. Ngược lại, nếu không có sự chuẩn bị thể lực thật kỹ thì chấn thương nặng có thể xảy ra sau đó.
Với HLV Hoàng Anh Tuấn, thể lực cầu thủ U19 Việt Nam đã tiến bộ hơn nhiều - Ảnh: Trí Công
Bóng đá bây giờ không phải là bóng đá kỹ thuật nữa rồi. Nó gồm nhiều yếu tố khác nữa và trong đó thể lực rất là quan trọng. Chúng ta đang hướng tới VCK U19 châu Á năm sau, trước mắt là vòng loại giải đấu. Nếu chúng ta không có thể lực dồi dào, không có lối chơi áp đảo và thậm chí là nhiều sức mạnh thì rất khó để nói gì, cho dù chúng ta có tấm vé vào vòng chung kết đi chăng nữa.
Không có thể lực, không đá bóng được!
- Ngoài yếu tố thể lực, ông đánh giá thế nào về tâm lý của các cầu thủ khi tập luyện, thi đấu?
Bất kể cấp độ nào, CLB nào, đội bóng nào, kể cả các đội tuyển trên thế giới thì tinh thần tâm lý đều rất quan trọng. Với tôi cũng vậy thôi, số 1 luôn là tinh thần thái độ thi đấu, rồi sau đó mới đến chuyên môn. Nếu chúng ta không có tinh thần tốt, thái độ tốt thì rất khó để nói đến chuyện chuyên môn.
Tôi luôn cố gắng làm sao trau dồi cho các em một tinh thần thi đấu thật là tốt. Tinh thần thi đấu tốt thể hiện sự chuyên nghiệp, từ cái đó nó sẽ thúc đẩy các yếu tố khác. Tinh thần tốt dẫn đến thái độ thi đấu trên sân tốt, kéo theo chuyên môn, kỹ năng chiến thuật, sự tập trung tốt hơn. Một điều tốt kéo theo nhiều điều tốt khác thì chúng ta nên phải làm.
- Một số cầu thủ đã phải chia tay U19 Việt Nam. Theo ông, họ thiếu những điều gì để không thể tiếp tục đồng hành với đội tuyển?
Thực ra những bạn được đưa trở về CLB cũng có những điểm trội. Nhưng đó chỉ là điểm trội so với địa phương và chúng ta thôi. Chúng ta phải so sánh với mặt bằng chung của khu vực hay của châu lục. Chúng ta phải vượt trội chính bản thân thì mới so sánh ở ngoài quốc gia được.
Các em phải chia tay đội tuyển có một số tiềm năng. Nhưng họ sẽ phải tập luyện nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nhấn mạnh không có thể lực, không đá bóng được. Đó là một trong những điều mà các em trở về CLB hay trung tâm cần rèn luyện thêm. Nếu như có cơ hội, nếu đáp ứng yêu cầu đó thì chắc chắn các em sẽ được gọi trở lại.
- U19 Việt Nam sẽ thi đấu với U21 Hà Nội trong tuần này. Ông muốn nhìn thấy điều gì ở các cầu thủ của mình?
Tôi cần nhìn thấy một tinh thần khát khao thi đấu, một tinh thần thi đấu quyết liệt. Dĩ nhiên là sau hai tuần tập luyện, tập trung về thể lực thì tôi muốn thể lực các em phát triển thế nào. Rõ ràng U21 của Hà Nội là đội bóng mạnh hơn rất nhiều so với các em.
Tôi muốn nhìn thấy thái độ thi đấu, thể lực và dĩ nhiên có những yếu tố chuyên môn ở trận đấu này. Cách chơi của các em là tấn công nhiều hơn, gây sức ép nhiều hơn. Tôi muốn nhìn thấy trên sân, điều đó được thể hiện như thế nào.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét