Nhưng làm thế nào để biết bắt đầu từ đâu và những gì cần ưu tiên? Làm thế nào để chắc rằng chúng ta đang dành ưu tiên cho những việc quan trọng nhất? Những kỹ năng nào là cần thiết với bạn? Hoặc có thể bạn đang tự hỏi liệu mình đã quá già để bắt đầu học những điều mới?...
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập tới các vấn đề cốt lõi của kỹ năng bóng đá. Hãy bỏ qua mọi thứ râu ria có thể gây xao lãng để tập trung vào một số chân lý, qua đó hy vọng sẽ giúp bạn đạt hiệu quả tập luyện cao nhất, cải thiện khả năng trong các trận đấu thực tế.
1. Tập trung cải thiện các kỹ năng còn yếu
Đây là một nguyên tắc vô cùng cơ bản và hết sức quan trọng. Đáng tiếc, dường như phần lớn anh em cầu thủ lại không chú trọng điều này. Bởi chúng ta thường làm những việc mà chúng ta thích, và bỏ qua những điều chúng ta không muốn. Chúng ta thà tập luyện để hoàn thiện cú sút bằng chân thuận mà lờ đi việc không thể sút một cú chân nghịch cho ra hồn. Hoặc chúng ta miệt mài học các kỹ năng lừa bóng tạo ra cơ hội ghi bàn, nhưng bỏ bê việc học làm sao để nâng cao khả năng phòng ngự...
Hãy liên tưởng với những môn thể thao khác: Một võ sỹ có cú móc phải nặng ngàn cân nhưng tay trái đánh như phế thì liệu có thể thượng đài? Hay một tay vợt tennis có cú đập thuận tay lợi hại mà lại không biết cú đánh trái tay. Là người chơi bóng đá, chúng ta thường che giấu những thiếu sót của bản thân dễ dàng hơn vì đây là môn tập thể. Nếu có điều gì đó chúng ta không thể làm được, chúng ta sẽ hy vọng đồng đội của mình có thể thực hiện thay.
Nhưng nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng bản thân để trở thành cầu thủ hữu dụng hơn, trước hết bạn phải giải quyết điểm yếu của mình. Nó sẽ mang lại cho bạn nhiều khả năng hơn, tự tin hơn và nhiều niềm vui hơn khi đóng góp được nhiều hơn cho đội bóng.
2. Nắm vững điều cơ bản trước khi nghĩ đến những gì phức tạp hơn
Có rất nhiều cầu thủ sở hữu cả tá kỹ năng đẹp mắt và liên tục trình diễn những kỹ năng ấy trong trận đấu. Tuy nhiên, họ lại không thể làm những việc cơ bản như chơi bóng một chạm đơn giản? Đó là lý do không phải anh chàng chơi bóng đá nghệ thuật (freestyle) nào cũng có thể đá tốt trong một trận bóng thực sự.
Các loại hình bóng đá sân kích thước nhỏ như sân 5 hay sân 7 đòi hỏi người chơi phải hoạt động rất chăm chỉ, thi đấu thông minh và làm tốt những điều cơ bản. Hiển nhiên là bạn vẫn có quyền phô diễn kỹ thuật cá nhân, khán giả cũng thích như vậy, nhưng bạn phải tìm kiếm cơ hội từ việc đáp ứng tốt những nhiệm vụ cơ bản. Bạn nên dành thời gian hoàn thiện những kỹ năng cần thiết cho mọi trận đấu sao cho thật nhuần nhuyễn, sau đó hãy nghĩ tới những “gia vị" kỹ thuật trong lối chơi của mình.
Dưới đây là những yêu cầu kỹ năng cơ bản bạn phải thực hiện được bằng cả hai chân:
+ Xử lý đơn giản, chuyền bóng chính xác cho đồng đội.
+ Nhận một đường chuyền dưới áp lực từ đối phương, kiểm soát nó với sự tự tin thay vì nảy xa cả mét.
+ Sút bóng có lực và đạt tỷ lệ chính xác cao nhất có thể.
+ Dẫn bóng với tốc độ cao, mức tối thiểu là bằng 60% tốc độ chạy nước rút của bạn.
+ Dẫn bóng zig-zag càng nhanh càng tốt, đảo hướng liên tục mà vẫn kiểm soát được bóng trong chân.
+ Thao tác thuần thục với bóng bằng toàn bộ các điểm trên chân như lòng, má, mu, gót, gầm, mũi chân...
Nếu bạn chưa thể thực hiện những kỹ năng này một cách thoải mái thì đừng lãng phí thời gian vào bất kỳ điều gì phức tạp hơn.
Lionel Messi là một ví dụ tuyệt vời về việc bạn có thể làm được gì với những kỹ năng cơ bản. Cầu thủ người Argentina rất hiếm khi cố gắng qua người bằng những động tác phức tạp (kiểu Neymar hay Ronaldinho hay làm). Thay vào đó, Messi tàn phá hàng thủ đối phương chỉ bằng những kỹ thuật lừa bóng tương đối cơ bản nhưng được mài dũa đến độ hoàn hảo.
3. Quý hồ tinh bất quý hồ đa
Đừng thấy cái gì hay cũng muốn học ngay, vội vàng rồi hỏng việc. Hãy trang bị cho mình một hoặc hai “vũ khí" cần thiết mà bạn thấy phù hợp nhất, trau dồi liên tục cho đến khi nhắm mắt cũng làm được. Cứ như vậy, các kỹ năng sẽ cải tiến độ phực tạp theo thời gian tuỳ khả năng từng người.
Sự thật là nếu bạn có thể làm một động tác kỹ thuật với độ ổn định và hiệu quả cao thì vẫn tốt hơn nhiều so với 10 kỹ năng nhưng bạn chưa làm chủ hoàn toàn. Huyền thoại điện ảnh và võ thuật Lý Tiểu Long từng đúc kết rằng: “Tôi không sợ người tập 1.000 cú đá một lần, tôi sợ người tập một cú đá 1.000 lần”.
4. Tập luyện dù ở bất kỳ giai đoạn nào
Việc tập luyện không chỉ dành cho những người mới tập chơi bóng. Đó là một công việc không cần phân chia độ tuổi. Một thực tế là những người đã chơi bóng lâu năm thường không chú trọng việc nâng cao kỹ năng bản thân mà chỉ thích đến giờ là ra sân đá luôn.
Đó là một điều đáng tiếc. Chúng ta có một khả năng tuyệt vời để học hỏi ở mọi lứa tuổi, vấn đề chỉ là chúng ta có chịu học hay không thôi. Điểm mấu chốt là, nếu bạn không rèn luyện, bạn sẽ không bao giờ tốt lên. Đừng chấp nhận những điểm yếu của bản thân, hãy làm gì đó để cải thiện nó.
5. Thực hành với thực tế
Các video dạy kỹ năng trên mạng cho chúng ta thấy những minh hoạ động tác rất “nuột nà". Nhưng chúng hoàn toàn không thực tế. Trong một trận bóng thực sự, đối phương sẽ không bao giờ cho phép bạn thoải mái làm điều mình muốn như vậy. Vì thế, học kỹ năng không chỉ là tập chay. Để phát triển kỹ năng, quan trọng là biết phải làm thế nào và khi nào nên sử dụng nó trong môi trường áp lực của trận đấu. Có nhiều anh chàng khởi động có vẻ rất ngon, sút cầu môn 10 quả ăn tới 9 nhưng khi vào trận đá thật đứng trước gôn trống còn đá ra ngoài.
Tập chay với thực tế khác nhau chỗ đó, đừng để rơi vào cái bẫy của nó. Hãy thực hành các kỹ năng của bạn trong điều kiện càng gần với thực tế nhất có thể. Hãy tập cùng những con người thực, có thể là đồng đội của bạn hoặc ở những trận đá tập…
6. Không chỉ là tập với bóng
Mọi người vẫn nghĩ việc tập luyện là thực hành các kỹ năng càng nhiều càng tốt. Song đôi khi có những điều rất thiết thực mà chúng ta vô tình lại bỏ qua, như là chế độ ăn uống, tập thể dục, kiến thức chiến thuật… Tất cả đều góp phần nâng cao kỹ năng thi đấu cả đấy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét