Hiệu ứng U.23 VN vẫn lan rộng trong những ngày cận tết.
Hình ảnh các chàng trai Việt vừa giỏi đá bóng vừa biết cách cư
xử trên sân cỏ lẫn ngoài đời đang được bàn tán khá nhiều trong mỗi bữa cơm gia
đình, hay ở các buổi tất niên cuối năm của từng nhóm bạn bè.
Họ được tôn trọng và ngưỡng mộ, bởi đã giới thiệu văn hóa và con
người VN đến với bạn bè khắp châu lục.
Khi U.23 VN bị xử phạt oan, Xuân Trường thường là người trao đổi
với trọng tài. Anh trao đổi bằng lý lẽ, bằng kiến thức và bằng vốn tiếng Anh
của mình, chứ không phải sửng cồ, phản ứng bốc đồng, thái quá. Những lần trao
đổi đó đã giúp hình ảnh của cầu thủ VN trở nên đẹp hơn.
Việc trọng tài người Oman Ahmed Abu Bakar Al-Kaf công tâm và
thân thiện khi điều hành trận chung kết giữa U.23 VN với Uzbekistan có phần đến
từ cách cư xử của cầu thủ 2 đội trên sân cỏ. Nhìn cách cầu thủ U.23 VN giải
thích với trọng tài, mới thấy được cái lợi của VĐV thể thao có kiến thức và văn
hóa. Ở các giải đấu quốc tế trước đây, nhiều VĐV VN bị xử ép, nhưng vì không có
kiến thức, không am hiểu luật và đặc biệt là không biết ngoại ngữ, nên chúng ta
đã nhiều lần ấm ức vì bị xử thua một cách vô lý mà không thể phản biện.
Ngoài lứa cầu thủ U.23 VN, các kỳ thủ cờ vua cũng là những người
rất giỏi ngoại ngữ và ứng xử. Lê Quang Liêm ngoài tài đánh cờ vua cũng rất giỏi
ngoại ngữ để lấy được học bổng toàn phần của Trường đại học Webster (Mỹ). Tháng
5.2017, Quang Liêm tốt nghiệp hạng xuất sắc ĐH Webster với 2 tấm bằng cử nhân
khoa học, tài chính; cử nhân nghệ thuật, quản lý. Ngoài Quang Liêm, các kỳ thủ
hàng đầu khác của VN như Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng rất giỏi, để có thể một
mình đi thi đấu ở bất cứ quốc gia nào. Tài năng là vậy, nhưng cả Liêm và Sơn
chưa bao giờ coi mình là ngôi sao.
Xem U.23 VN hành xử trên sân bóng và ngoài sân cỏ, HLV thể dục
dụng cụ VN Trương Minh Sang - người vươn lên từ khó khăn, luôn viết trên tài
khoản Facebook của mình những dòng khen ngợi. Trương Minh Sang nói rằng việc
giỏi ngoại ngữ, có văn hóa sẽ giúp ích cho VĐV thể thao rất nhiều trong việc
phát triển bản thân. Bởi vốn kiến thức và ngoại ngữ sẽ giúp VĐV lĩnh hội hết
các kiến thức từ huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, giỏi ngoại
ngữ còn giúp họ có thể lên mạng để tìm kiếm những kiến thức mới, bổ ích để tự
mình tập luyện.
Từ chuyện U.23 VN và câu chuyện các lò đào tạo bóng đá VN đã làm
được, hy vọng rằng những nhà quản lý thể thao ở tất cả các môn khác sẽ đầu tư
sâu, rộng về việc học văn hóa cho VĐV của mình.
Chúng ta phải làm triệt để, bởi không bao giờ là quá muộn. Câu
chuyện của bầu Đức của mươi năm về trước vẫn rất thời sự ở ngày hôm nay.
Theo https://thanhnien.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét